(TN&MT) – Tại quận Kiến An (thành phố Hải Phòng), nhiều mô hình bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống cho người dân đang được triển khai, mang lại những hiệu quả rõ rệt, giúp cho cuộc sống của người dân ngày càng an toàn, kinh tế phát triển bền vững.
Ngày 8/5, UBND quận Kiến An tổ chức cuộc họp nghe báo cáo tiến độ triển khai kế hoạch số 44 ngày 27/2/2024 của UBND quận về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Theo đó, UBND quận đề ra mục tiêu đến hết ngày 31/7/2024, ít nhất 70% phường trên địa bàn quận thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và đến hết ngày 31/10/2024, 100% phường trên địa bàn thực hiện.
Theo tìm hiểu, tại quận Kiến An, nhiều mô hình hay đang được triển khai, mang lại những hiệu quả rõ rệt, giúp cho cuộc sống của người dân ngày càng được an toàn, bền vững.
Cụ thể, phường Quán Trữ có khoảng 2560 hộ gia đình với hơn 9600 nhân khẩu, số lượng rác thải trung bình khoảng 11,7 tấn mỗi ngày. Thực hiện Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 27/02/2024 của UBND quận, đến nay, phường Quán Trữ đã chủ động xây dựng kế hoạch phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng và từng bước triển khai tới các hộ dân, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo ông Trần Cao Cường – Chủ tịch UBND phường Quán Trữ, trên địa bàn phường đang duy trì nhiều cách làm hay, mô hình tốt như: Mô hình 5 có 3 sạch, (trong đó, 5 có bao gồm: Có ngôi nhà an toàn; Có sinh kế vững; Có sức khỏe; Có kiến thức; Có nếp sống văn hóa gia đình và 3 sạch gồm: Sạch nhà; Sạch bếp; Sạch ngõ). Mô hình này được triển khai tại Chi hội tổ dân phố Trần Nhân Tông từ tháng 6 năm 2023 với 50 thành viên tham gia làm nòng cốt. Đến nay, mô hình đã và đang thực hiện tại 6/6 tổ dân phố trên địa bàn toàn phường, hàng năm giúp được nhiều hộ gia đình đạt 8 tiêu chí.
Tiếp theo là mô hình phân loại rác thải tại các hộ gia đình. Mô hình này đang được hội Liên hiệp phụ nữ phường triển khai tại một số chi hội, nhằm hướng dẫn các hộ dân phân loại rác tại nhà, thu gom phế liệu tái chế được để bán lấy tiền gây quỹ. Mô hình này tuy chưa được mạnh dạn đầu tư nhưng cũng phần từng bước nâng cao được ý thức của người dân trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.
Còn tại phường Tràng Minh hiện có khoảng 3.000 hộ dân, trong đó, 100 hộ kinh doanh phế liệu và 2 công ty sản xuất ô tô, 2 bệnh viện lớn. Mỗi ngày trên địa bàn phường phát sinh khoảng 9 – 10 tấn rác thải sinh hoạt. Thời gian qua, phường đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải.
Phường Tràng Minh đang triển khai mô hình Tổ dân phố “3 không – 3 có”, trong việc truyền thông, hướng dẫn cộng đồng về phân loại rác thải tại nguồn. Mô hình này hoạt động dưới sự chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường với tiêu chí “3 không” gồm: Đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi; Không thả rông súc vật; Không sử dụng túi nilon và tiêu chí “3 có” gồm: Có phân loại rác tại nguồn; Có tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; Có sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ông Trần Minh Nghiệp – Phó Chủ tịch UBND phường Tràng Minh đánh giá: “Mô hình Tổ dân phố “3 không – 3 có” đang hoạt động khá tốt. Mô hình này không chỉ giúp giảm tải cho các bãi rác mà còn tận dụng được những loại rác có khả năng tái chế và quan trọng nhất là bảo vệ môi trường sống của người dân”.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp nghe báo cáo tiến độ triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ông Phạm Văn Diện – Phó Chủ tịch UBND quận Kiến An nhấn mạnh, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một việc khó, nhưng mang lại ý nghĩa thiết thực và theo quy định của luật bắt buộc phải làm. Vì vậy, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và nghiêm túc triển khai thực hiện.
Ông Phạm Văn Diện cũng yêu cầu các phường xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện theo từng mốc thời gian, bám sát chỉ đạo của UBND quận và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham gia thực hiện, duy trì bền vững kết quả đã đạt được.