(TN&MT) – Bình Định là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các loại thiên tai chính: bão, mưa lớn gây lũ lụt, sạt lở núi và hạn hán. Biến đổi khí hậu (BĐKH) làm gia tăng cường độ các hiện tượng thiên tai, gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội và nguy cơ suy giảm về mặt đa dạng sinh học.
Đầu tư lớn, hiệu quả cao
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, tỉnh Bình Định đã hoàn thành 4 đề án, dự án/nhiệm vụ về BĐKH trên địa bàn với tổng kinh phí đầu tư hơn 912 tỷ đồng, gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với BĐKH cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM) – Dự án thành phần tỉnh Bình Định; Kiểm kê khí nhà kính và đề xuất giải pháp quản lý phát thải trên địa bàn tỉnh Bình Định; Dự án “Xây dựng khả năng chống chịu với lũ lụt cho cộng đồng tại tỉnh Bình Định” do Quỹ Z Zurich tài trợ; Giám sát BĐKH trên địa bàn tỉnh Bình Định bằng công nghệ viễn thám.
Về hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Sở TN&MT đã phối hợp các ngành rà soát, cập nhật, điều chỉnh danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn quản lý; triển khai họp phân công nhiệm vụ cho cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính theo ngành quản lý. Về việc triển khai Đề án thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện phục vụ chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế trên địa bàn TP. Quy Nhơn và các tuyến nối điểm du lịch, tỉnh đã có 3 đơn vị vận tải tham gia với tổng cộng 95 xe điện 4 bánh.
Bên cạnh đó, tỉnh hiện có 9 dự án điện mặt trời và điện gió được đầu tư xây dựng, trong đó có 5 dự án điện mặt trời với tổng công suất là 529,5MWp (4 dự án đưa vào vận hành phát điện, 1 dự án đã hoàn thành giai đoạn 1). Tỉnh có 4 dự án điện gió với tổng công suất 107,4MW được đầu tư xây dựng (3 dự án đã đưa vào vận hành phát điện và 1 dự án đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào vận hành phát điện). Ngoài ra, tỉnh còn có khoảng 2.092 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất là 228MWp.
Công tác bảo vệ, phát triển rừng được địa phương đặc biệt quan tâm. Hầu hết những diện tích đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn tỉnh đã được phủ xanh, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH, ổn định môi trường sinh thái. Chất lượng, diện tích rừng ngày càng được nâng lên và phát huy được giá trị môi trường, tạo nhiều vùng nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến, tăng thu nhập cho người dân,…
Đến nay, Bình Định đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có tính đến tác động của BĐKH, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, thời vụ phù hợp với hoàn cảnh BĐKH; nghiên cứu bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, vùng thường xuyên bị tác động của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, đã nghiên cứu, lồng ghép các nội dung giảm thiểu tác động của BĐKH, phòng chống thiên tai vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 – 2030; Quy hoạch xây dựng; Quy hoạch xây dựng đô thị; Quy hoạch xây dựng nông thôn; nghiêm túc thực hiện hành lang bảo vệ 134km bờ biển đã được cắm mốc; điều tra, khảo sát, xác định các điểm có nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh, di dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm; xây dựng chương trình bảo vệ phục hồi rừng đầu nguồn; tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với BĐKH; xây dựng kế hoạch truyền thông thích ứng với BĐKH và lồng ghép các giải pháp lĩnh vực kinh tế – xã hội thích ứng với BĐKH…
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về ứng phó với BĐKH
Đánh giá về công tác ứng phó với BĐKH thời gian qua, ông Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, các cơ quan trên địa bàn tỉnh ngày càng chú ý thực hiện chính sách, pháp luật về BĐKH, hoạt động ứng phó với BĐKH, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đã được tăng cường, phù hợp với điều kiện của tỉnh trong bối cảnh BĐKH tác động đến cả nước và toàn cầu. Các chương trình, dự án BĐKH, trong đó có các dự án về cơ sở hạ tầng đã phát huy tính hiệu quả, tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH, ngăn chặn xâm nhập mặn. Đồng thời, việc hình thành đưa vào hoạt động các dự án năng lượng xanh, sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ BĐKH, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội bền vững…
Thời gian tới, Bình Định sẽ tiếp tục tăng cường việc lồng ghép nội dung ứng phó BĐKH, kết quả giám sát BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội như: lồng ghép vào công tác phòng ngừa, ứng phó hạn, xâm nhập mặn; công tác phòng ngừa, ứng phó bão, ngập; thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh; công tác xây dựng; công tác bảo vệ và phát triển rừng. Giảm phát thải khí nhà kính, các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, phát triển năng lượng tái tạo; thu hồi năng lượng từ các chất thải của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình…
Đẩy mạnh việc phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ ứng phó BĐKH. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thực hiện các giải pháp sản xuất an toàn sinh học để thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Xây dựng cơ sở dữ liệu về giám sát BĐKH, xây dựng kịch bản ứng phó BĐKH, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Giám sát BĐKH tỉnh Bình Định bằng công nghệ viễn thám đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo dõi, đôn đốc, đánh giá và giám sát việc thực hiện các nội dung theo Chương trình, Kế hoạch của Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành…